[Cẩm nang Cloud] Ứng dụng thực tế của Điện toán đám mây

03/12/2021

Điện toán đám mây (Cloud Computing) đang trở nên phổ biến và được nhắc đến mỗi ngày. Thậm chí bạn đang sử dụng một số hình thức của công nghệ này mà không hề nhận ra. Từ những doanh nghiệp start-up nhỏ cho đến những tập đoàn quốc tế, từ các cơ quan chính phủ đến các tổ chức phi lợi nhuận, tất cả đều đang áp dụng dịch vụ đám mây vì nhiều lí do.

Dịch vụ đám mây được ứng dụng trong nhiều khía cạnh quan trọng trên thực tế. Cho dù bạn là một cá nhân đang sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc tổ chức của bạn đang vận hành một ứng dụng chia sẻ ảnh với hàng triệu người dùng qua điện thoại, dịch vụ đám mây có thể thỏa mãn tất cả nhu cầu với mức chi phí thấp.

I. Ứng dụng của Điện toán đám mây

1. Cơ sở dữ liệu đám mây

Doanh nghiệp của bạn cần vận hành những cơ sở dữ liệu rất lớn nhưng ngân sách lại eo hẹp hoặc công ty bạn không đủ chuyên môn để thực hiện điều đó. Trong trường hợp đó, cơ sở dữ liệu điện toán đám mây là một lựa chọn để thay thế tốt hơn.

Công nghệ điện toán đám mây đem đến cho đội ngũ IT một cơ sở dữ liệu hoạt động mạnh mẽ mà không cần công ty phải thật sự sở hữu cơ sở hạ tầng (các server). Nhà cung cấp dịch vụ cho bạn không chỉ hỗ trợ mà còn chịu trách nhiệm tất cả các hoạt động bảo trì và vận hành của hệ thống cơ sở dữ liệu, trách nhiệm duy nhất của bạn là xử lý dữ liệu của chính bạn.

Hơn nữa, cơ sở dữ liệu đám mây mang lại khả năng mở rộng vô tận cho các doanh nghiệp. Ví dụ: mùa bán hàng cao điểm đang đến và khả năng cao là các lượt truy cập trang web của công ty bạn sẽ tăng gấp 10 lần bình thường. Vì vậy, công ty bạn cần thêm một hoặc nhiều cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu đám mây có thể được mở rộng hoặc thu nhỏ chỉ trong vài giây. Trong khi đó, với cách cài đặt truyền thống, sẽ mất vài tuần hoặc vài tháng để cài đặt máy chủ, kho lưu trữ và các thiết bị cần thiết khác.

2. Thử nghiệm và phát triển

Kiểm tra và thử nghiệm để phát triển là những bước quan trọng để đảm bảo ứng dụng của bạn có thể chạy trơn tru, không có lỗi và có thể đưa vào sử dụng. Để thử nghiệm thành công ứng dụng của bạn, bạn cần một môi trường mô phỏng có khả năng tái tạo các hoạt động kinh doanh thực tế để xác nhận những kết quả thu được sau quá trình mô phỏng.

Tận dụng nguồn lực sẵn có của điện toán đám mây, bạn sẽ không mất thời gian và công sức để tự tay xây dựng môi trường mô phỏng cho doanh nghiệp. Bạn sẽ được cung cấp nhiều môi trường có sẵn khác nhau, phù hợp với nhu cầu cụ thể và trong tầm tay của doanh nghiệp.

Một khi nhân viên lập trình của bạn nghĩ rằng ứng dụng đã sẵn sàng, nó có thể được đưa vào một môi trường thử nghiệm để phân tích. Hơn nữa, nền tảng này cũng có thể được sử dụng cho mục đích đào tạo.

3. Lưu trữ cho trang Web

Lưu trữ website của bạn trên đám mây là điều cần thiết nếu hệ thống hiện tại không thể đáp ứng với sự tăng trưởng liên tục của doanh nghiệp. Nếu bạn đã xây dựng một trang web ổn định, bạn sẽ biết rằng việc lưu trữ trang web chiếm phần lớn các nguồn lực CNTT.

Lưu trữ trang web của bạn trên nền tảng đám mây cung cấp cho công ty khả năng mở rộng. Trong trường hợp có vấn đề, trang web công ty bạn đơn giản chỉ cần chuyển sang máy chủ có sẵn gần nhất, hoặc nhiều máy chủ khác có thể được thêm vào trong trường hợp nhu cầu của bạn thay đổi.

Điều quan trọng nhất là bạn chỉ phải thanh toán theo nhu cầu thực tế cho dịch vụ lưu trữ trang web trên đám mây, tính bảo mật được đảm bảo bởi nhà cung cấp dịch vụ của bạn. Điều này giúp giải phóng thời gian và công sức cả công ty để tập trung vào các khía cạnh khác quan trọng hơn như việc phát triển nội dung.

4. Phân tích Dữ liệu lớn (Big Data)

Mọi dữ liệu mà chúng ta thấy hôm nay, chẳng hạn như xấp giấy tờ trên bàn, hồ sơ, hoặc dữ liệu số như tin nhắn trên Facebook của bạn, đều được gọi chung là "big data".

Như chúng tôi đã đề cập trong các bài blog trước về tầm quan trọng của việc quản lý dữ liệu cũng như những thách thức mà dữ liệu có thể mang lại do khối lượng khổng lồ.

Việc đưa dữ liệu của bạn lưu trữ trên đám mây có thể không thu gọn kích thước dữ liệu nhưng chắc chắn nó sẽ giúp việc quản lý dữ liệu trở nên dễ dàng, dễ tiếp cận hơn và khi kết hợp với quá trình phân tích, doanh nghiệp có thể rút ra những thông tin giá trị để khai thác và sử dụng.

Một trong những thách thức lớn của dữ liệu là việc xử lý chúng. Làm thế nào để trích xuất chỉ những thông tin hữu ích nhất từ vô vàn chồng dữ liệu vô trật tự? Nhiều nền tảng phân tích dữ liệu lớn đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây cho phép các doanh nghiệp khả năng xử lý các dữ liệu từ có cấu trúc đến cả không có cấu trúc.

5. Lưu trữ và chia sẻ dữ liệu

Đây là một trong những hình thức cơ bản nhất của điện toán đám mây. Các dữ liệu được lưu trữ trong đám mây khiến việc chia sẻ, truy xuất và lưu trữ trở nên cực kỳ dễ dàng. Google Drive, Dropbox, Shutterstock là những ví dụ phổ biến nhất của dịch vụ này.

Hiệu quả công việc sẽ được thúc đẩy nhanh chóng với các văn phòng ảo nơi mà bạn và các đồng nghiệp có thể dễ dàng cập nhật tình hình dự án, nhận phản hồi hoặc đơn giản là chỉnh sửa/ đánh giá ngân sách trong khi đang di chuyển. Đã qua rồi cái thời mà bạn phải gửi kế hoạch ngân sách trong nhiều định dạng khác nhau.

6. Sao lưu và khôi phục dữ liệu

Dữ liệu nên được sao lưu thường xuyên, nhưng nhiều doanh nghiệp lại không tuân thủ theo quy trình. Ngày nay, chúng ta vẫn sao chép dữ liệu một cách thủ công thông qua các thiết bị lưu trữ, vừa mất thời gian, vừa hao tốn chi phí.

Phục hồi sau thảm họa là một kế hoạch chiến lược nhằm sao lưu và khôi phục dữ liệu doanh nghiệp một cách hiệu quả trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc tai nạn do con người. Thực hiện một kế hoạch khôi phục sau thảm họa qua dịch vụ điện toán đám mây có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp ngoài lợi ích tiết kiệm chi phí vận hành.

Trong trường hợp xảy ra thảm hoạ thiên nhiên, mà một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, vì dữ liệu công ty được giữ tách biệt trên đám mây, quá trình khôi phục có thể được thực hiện kịp thời và hoàn toàn tự động, do đó việc sử dụng đĩa, băng hoặc các phương tiện lưu trữ khác được loại bỏ.

7. Ứng dụng quản lý doanh nghiệp

Hiện nay có rất nhiều ứng dụng được thiết kế trên nền tảng đám mây sở hữu một giao diện trực quan, dễ sử dụng và phù hợp với từng ngành nghề cụ thể.

Bạn đang cần phương pháp tốt hơn để xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng? Cloud CRM với các tính năng như các ứng dụng văn phòng thông thường, email, thông tin của các hoạt động trong quá khứ và hiện tại được tích hợp trong cùng một hệ thống.

Từ việc theo dõi các nguồn lực, rút ra những thông tin để phục vụ việc ra quyết định đến việc xem xét và cập nhật kế hoạch ngân sách... tất cả đều có sẵn tại một nơi duy nhất và truy cập dễ dàng với chỉ một cú nhấp chuột.

II. Kết luận

Một mối lo ngại có thể ngăn bạn chuyển sang công nghệ đám mây là nguy cơ an ninh mạng. Như chúng ta đã thảo luận trong bài trước của Cẩm nang Cloud, tất cả các hoạt động diễn ra trên đám mây được theo dõi chặt chẽ và được kiểm tra thường xuyên bởi bên thứ ba. Có những tiêu chuẩn mà các nhà cung cấp dịch vụ phải đáp ứng nhằm theo kịp sự cạnh tranh khốc liệt và tránh các mối đe dọa qua mạng.

Nhu cầu về Điện toán đám mây không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp triệu đô, nhu cầu này được sinh ra từ chính cộng đồng với mong muốn một dịch vụ nâng cao tính hợp tác và minh bạch cho doanh nghiệp dù bạn đang phải di chuyển hay ở nhà.

Điện toán đám mây chắc chắn không phải là một xu hướng nhất thời mà đang dần khẳng định vị thế không thể thiếu trong trong kỷ nguyên kinh doanh hiện đại vì những ứng dụng tuyệt vời và quan trọng của nó!

>> Xem tiếp: Bài 6: Kiến trúc của Điện toán đám mây

<< Xem lại: Bài 4: Cách thức hoạt động của Điện toán đám mây

 

 

Để tìm hiểu thêm về dịch vụ Cloud, vui lòng liên hệ đến Viettel IDC:

 

- Hotline: 1800.8088 (miễn phí cước gọi)

- Fanpage: https://www.facebook.com/viettelidc

- Website: https://viettelidc.com.vn

 

Viettel IDC – Nhà cung cấp dẫn đầu về giải pháp Trung tâm dữ liệu và Điện toán đám mây tại Việt Nam

Tin liên quan

25/04/2022

[Cẩm nang AI] TOP 6 phần mềm AI 2022 cần tìm hiểu

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phần mềm, nền tảng trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi tắt là phần mềm AI. Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các phần mềm AI như TensorFlow, Azure Machine Learning, Salesforce Einstein, Ayasdi, Playment và Cloud Machine Learning - cả những ưu điểm và nhược điểm riêng của từng phần mềm.

// doi link